Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trân trọng giới thiệu buổi nói chuyện của nhạc sĩ Phó Đức Phương tại Viện Âm nhạc Việt Nam do Lương Thị Hồng Thắm bóc âm thanh từ băng video của Viện Âm nhạc được đăng tải trên website Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh Nguyễn Thị Minh Châu)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu trong vai trò người tổ chức và dẫn dắt chương trình đã mở đầu buổi nói chuyện:
“Để chuẩn bị cho buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi có trao đổi trước với anh Phương. Anh ngại ngùng vì tuổi đời còn “nhỏ” so với các cụ lão thành, nhưng anh đã thành công khi tạo cho mình một tiếng nói riêng trong làng nhạc và vì sao anh có thể đạt được điều đó? – Câu trả lời sẽ có trong buổi chuyện trò với nhạc sĩ Phó Đức Phương hôm nay.
Anh Phương quen viết theo đơn đặt hàng, do vậy để dễ hơn cho anh, chúng ta cũng nói chuyện theo đơn đặt hàng. Mọi người sẽ đặt câu hỏi để anh trả lời. Và trước khi mọi người đặt câu hỏi, tôi xin đưa ra bảy điểm mà tôi tự đúc kết, tạm coi đó là đặc điểm sáng tác của anh Phương:
– Thứ nhất, hình ảnh anh yêu thích nhất là thiên nhiên. Trong sáng tác ca khúc của anh Phương đều liên quan đến nước: biển, sông, hồ… (chắc chỉ trừ có mưa và nước mắt thôi). Câu hỏi đầu tiên: cái gì dẫn dắt con người mệnh Thủy này trở về với nước?
– Thứ hai là tính chất tâm linh huyền ảo, đồng vọng về với hồn xưa, mà có thể nói là từ ca khúc Hồ Tây.
– Thứ ba là tính kịch, chất sân khấu, sự nhập hồn, tâm trạng kịch tính, giằng xé nội tâm, cái này xuất hiện phần nhiều ở giai đoạn sáng tác sau này. Giai đoạn đầu chứa đựng chất trữ tình với giai điệu trữ tình, êm ả và chất dân dã nhiều hơn.
– Thứ tư là tính triết lý, phản ánh nhân sinh quan, có thể dẫn chứng ở bài Không thể và có thể anh viết tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
– Thứ năm là chất liệu dân gian. Mỗi nhạc sĩ đều tìm được cách sử dụng chất liệu dân gian khác nhau. Ở anh Phương, anh đã chắt lọc những motif rất nhỏ và khai thác đến tận cùng những motif đó.
– Thứ sáu là sự hài hòa giữa chất cổ truyền với cảm xúc thời đại. Tôi nghĩ rằng đây cũng là bí quyết của mỗi người, làm sao để vận dụng được cái hồn của âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ truyền và vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng người nghe, nhất là lớp trẻ. Làm sao anh có thể làm bạn được với giới trẻ, tìm được sự đồng cảm cùng giới trẻ để bài hát sống được trong xã hội đương đại.
– Thứ bảy là tính khí nhạc trong ca khúc. Anh là người viết khí nhạc, viết nhạc phim, nhạc không lời và nó phản ánh ngay trong ca khúc của anh: bản thân giai điệu đã truyền tải hình tượng âm nhạc, giai điệu không chỉ cõng phần lời ca hay đơn thuần minh họa lời ca, mà từ âm nhạc người nghe đã mường tượng được điều anh muốn nói. Đây là điểm sáng trong sáng tác của anh. Anh sử dụng giọng hát như nhạc cụ với những diễn tấu tinh tế, tinh tế từ cái luyến láy, cái ngắt, cái vuốt hay tiết tấu, nhịp điệu, tất cả đều uyển chuyển, nhịp nhàng và tạo đất diễn cho ca sĩ.
Đó là những nét tôi đưa ra để anh Phương dễ nói chuyện. Những câu hỏi tiếp sau xin mời các bác, các anh cứ đặt ra để anh Phương tiếp tục thể hiện mình”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Thưa các anh, hôm nay ngồi đây đều là các bậc đàn anh trong giới nhạc, thành thực khi chị Minh Châu có đặt vấn đề cách đây 4, 5 tháng để chuẩn bị, tôi cứ ngại ngần. Nhiều cái ngại ngần khi tôi nghĩ mình còn rong ruổi trên đường, tôi cảm thấy mình đang trên lưng ngựa, đang đường nửa đoạn nên tôi thấy sợ, lo lắng buổi tọa đàm sẽ thành buổi tổng kết về cuộc đời. Chị Châu có giải thích: Đây không phải một buổi tổng kết, bởi ngoài các bậc lão thành còn có nhạc sĩ trẻ tham gia, như năm ngoái có nhạc sĩ Vũ Nhật Tân. Vậy những buổi như này không phải buổi tổng kết. Sau khi chị Châu chia sẻ tôi cũng mạnh dạn hơn, tuy nhiên tôi có khó khăn thứ 2. Tôi nghĩ rất khó để có được một buổi nó dung hòa, hợp lý bởi ở đây là các bậc đàn anh, mình phải nói thế nào, phải tâm sự thế nào? Và nếu không đặt được tiêu chí tôi vẫn thấy ngại bởi mình là lớp đàn em. Tôi được chị Châu giải thích rằng không có gì cả, đây chỉ là buổi tâm sự. Được chị vỗ về, động viên tôi cũng mạnh dạn và xin nhận lời tham gia hoạt động của Viện Âm nhạc.
Tôi hiểu đây như một buổi tâm sự, một buổi đánh liều để tâm sự cùng bậc đàn anh. Giờ này tôi tin rằng có một chút rượu tôi sẽ đỡ. Đây là chai rượu volka của anh Hoành Loan. Trong quá trình nói chuyện với nhau, chúng ta cứ dùng rượu đó. Tôi giờ như các cụ lão nông chi điền, làm gì cũng phải có tý rượu.
Trước hết, 7 điểm chị Châu nêu, quả thực là 7 điều hết sức tinh nhạy trong việc khái quát những bài hát tôi viết. Như anh Loan có nói, thú thực công việc của tôi triển khai rất rộng, có giai đoạn dài thậm chí gần 10 năm tôi không viết bài nào mà lao vào công việc ở các mảng âm nhạc khác, chẳng hạn như sân khấu, kịch nói. Tất cả thể loại sân khấu gồm Tuồng, Chèo, Cải lương, Bài chòi, Rối, Điện ảnh… Những mảng đó nhiều khi là nhạc không lời và khối lượng lớn hơn rất nhiều so với nhạc có lời. Nhạc không lời của tôi được vận dụng trong đời sống, âm nhạc của đời sống, âm nhạc của công chúng và phục vụ cho công chúng.
Nhưng chia sẻ với các anh, tôi vẫn nghĩ trong đời sáng tác, tác phẩm trước hết phải gửi vào xã hội, gửi vào công chúng, còn công tác lưu trữ của tôi thì rất kém. Tôi không có ý niệm về lưu trữ, cứ quan niệm tất cả gửi vào đời để đời lưu giữ hộ. Thế nên hầu hết tổng phổ mảng âm nhạc không lời sau khi thành băng, đĩa và gửi cho đối tác thì tôi xong nhiệm vụ. Nhiều băng hầu như hỏng, tổng phổ hầu như cũng không còn gì, mặc dù khối lượng rất lớn (khoảng hơn 100 vở kịch nói rồi những bộ phim, những bản nhạc múa…). Bây giờ có tìm cũng mục nát rồi.
Ở ca khúc cũng vậy, nhưng văn bản không đến nỗi như tổng phổ khí nhạc, văn bản ca khúc dễ lưu giữ hơn. Điều may mắn nhất là năm 1997, tôi in được tập ca khúc. Những năm gần đây phương tiện in ấn dễ dàng hơn nên chép xong, đánh máy văn bản là tôi có thể photo được. Do đó, hôm nay chị Châu có đặt vấn đề về những đặc điểm trong ca khúc, tôi cho là hợp lý, nếu chỉ riêng về âm nhạc sẽ rất lệch. Bởi, điểm về thời lượng và số trang âm nhạc của tôi, ca khúc chỉ chiếm 1/4 , 1/3 cánh đồng mà tôi đã lặn lội trong suốt thời gian qua.
Từ 7 điểm chị Châu đã nêu, tôi có được sườn bài để nói. Theo tôi, trong buổi hôm nay, trước hết sẽ giới thiệu đến các anh, các chị một số ca khúc ít được phổ cập hoặc những bài hát mà chưa được biểu diễn. Bởi những bài hát để trở thành bài tủ của ca sĩ chạy “show” phải đảm bảo một số điều kiện: làm thế nào nó dễ hát; nội dung dễ để các ông “bầu” đưa vào nhiều chương trình khác nhau; phần phối khí, dàn nhạc cũng không quá rắc rối. Do đó có bài chúng tôi đã dựng một đôi lần nhưng chỉ trình diễn ở những chương trình được chuẩn bị kỹ lưỡng như hội diễn, chương trình đặc biệt. Những bài đó rất khó đem ra chạy show hay đưa vào chương trình thông thường, kể cả trên tivi. Một số bài đòi hỏi lựa chọn về chương trình, ca sĩ, dàn nhạc nên không có dịp đến nhiều với công chúng.
Nhân buổi hôm nay, đầu tiên tôi xin giới thiệu một số ca khúc mà ít có dịp trình bày trên các phương tiện đại chúng, trên làn sóng, trên truyền hình hoặc các chương trình khác. Dựa theo 7 ý mà chị Châu gợi mở, tôi cho rằng 7 ý đó rất sâu, rất sát, nhắc được những điều mà tôi vẫn tâm niệm trong ca khúc của mình. Phần 2 tôi đề nghị chúng ta sẽ trao đổi. Việc trao đổi các anh cứ để tự nhiên, kể cả trong quá trình giới thiệu bài nọ bài kia, có vấn đề gì cần các anh cứ trao đổi để không khí sống động. Ngoài những cái lo như tôi đã nói thì một buổi trao đổi, gặp gỡ mà nó không sống động, không vui là không được.
Để cuộc gặp gỡ hôm nay nó giản dị, nó “người nhà” tôi xin hát tặng các anh một bài hát, một bài rất quen thuộc – Về quê. Tiếp nối sau đó, tôi giới thiệu các bài theo đĩa đã chuẩn bị, để các anh hình dung rõ hơn về một người bạn, một người em, một người đồng nghiệp.
Theo em anh thì về
Theo em anh thì về thăm miền quê
Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về
Ơi quê ta bánh ta bánh đúc
Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng
Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên
Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi
Đưa nhau ta thì về
Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi
Nơi sáo diều chơi vơi
Với dòng sông bên lở bên bồi
Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen
Phiêu bạt chốn phồn hoa cát bụi
Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc tôi mơ
Nước qua cầu thời gian trôi mau
Nơi bền lâu là nơi lắng sâu
Thiếu quê hương ta như về ta về đâu ?
Ơi quê hương ta bánh đa đúc
Một chiều bưng bát cơm quê
Rưng rưng ta hát giọng quê dãi dầm .
Tiếp theo là một số bài hát ít có dịp trình diễn trên làn sóng ca nhạc.
1. Khúc hát phiêu ly
Ca khúc tôi viết vài ba năm gần đây. Khi viết bài hát này tôi nghĩ về câu chuyện tình nổi tiếng trong kho tàng văn học nước ta, tác phẩm Trương Chi. Đã có nhiều tác giả viết về nhân vật Trương Chi nhưng họ đứng ở góc độ bên ngoài để bình luận. Trong ca khúc của tôi, tôi là Trương Chi và nhập vào bối cảnh ngay sau khi Mỵ Nương từ chối (khi Mỵ Nương đến nhà nhận ra Trương Chi xấu quá nên từ chối). Ở bài hát này tôi hình dung tâm trạng của Trương Chi đêm hôm sau, vài ba ngày sau. Anh đau buồn nhưng chưa đến mức tự tử. Tôi xin nói một điều: ý tưởng của bài hát, tính chất của bài hát chính là tâm trạng của Trương Chi ngay khi đau khổ đến cực điểm vẫn đầy kiêu hãnh, trong đó có câu: “Là Trương Chi, ta hát khúc Trương Chi. Là Trương Chi, ta hát khúc phiêu ly”. Câu hát thể hiện tính kịch, dù đau khổ ghê gớm nhưng vẫn có tự ái vì mình là Trương Chi, dù có xấu xí có nghèo hèn đến mấy ta vẫn là Trương Chi. Khi biểu diễn ca khúc, ca sĩ thể hiện được 2 dòng trạng thái. Nếu ca sĩ hát với khí phách, thể hiện cái tôi cá nhân sẽ bộc lộ trạng thái bất cần bởi có nghèo, có khổ đến mấy ta vẫn là Trương Chi. Ca sĩ hát với tâm trạng buồn lại mang nghĩa thứ 2, phận mình nghèo hèn ta hát khúc hát của mình, khúc hát của thằng Trương Chi thôi, với cành cao làm gì cho đau khổ. Cái kịch tính của bài hát nằm ở chỗ đó.
Bài hát này cũng giải thích một phần trong mục chị Châu có nói đến là chất kịch trong ca khúc, đồng thời bài hát cũng giải đáp được nhiều điều khi vừa là chất kịch tính, vừa mang chất dân gian,…
Đáng lẽ Trương Chi là giọng nam nhưng đáng tiếc là chưa có một giọng nam nào đủ thể hiện bài hát này, cũng chưa có một giọng nam nào đủ bản lĩnh chia sẻ với bài hát. Tôi đã lặn lội, tôi tạm dựng bài hát với một giọng nữ. Đây là Lan Hương ở nhóm 5 dòng kẻ, cô cực kỳ nhiệt huyết và 2 thầy trò, 2 anh em cặm cụi cùng nhau tập trong 1 tháng để thu bài hát này.
Thôi cũng đành, đau lòng u sầu cùng dòng sông hoang vắng nước chảy bẽ bàng
Thôi cũng đành, giũ sạch tơ vương, rũ sạch mộng và mơ còn gì mà mong nhớ
Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi
Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly
Dân nghèo cái tình chi chiều lạnh ra đi về bến sông đời chua cái khổ đau tiếc gì
Thôi cũng đành ván thuyền cấp kênh, đời bèo mây siêu tán, duyên tình bẽ bàng
Thôi cũng đành hoa tàn, nắng tan phũ phàng bể dâu phận tầm còn gì lòng đau.
Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi
Là Trương Chi ta hát khúc Phiêu ly
Một bóng một mình một dòng lênh đênh thì đàn làm chi cho vật vã hát khinh
Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi
Là Trương Chi ta hát khúc Phiêu ly
Một bóng một mình một dòng lênh đênh thì đàn làm chi cho vật vã hát kinh
Ơ ơ ơ yêu thương ơ con sông nghẹn ngào gió ơ ơ đông một khúc tính tang tang
tình ta đi ư hừ ta đi
Bài Trương Chi này, ngữ khí rồi ruột gan đau xé nhưng vẫn bảo “tiếc gì”, hay:
“Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi
Là Trương Chi ta hát khúc Phiêu ly
Một bóng một mình một dòng lênh đênh thì nợ nần làm chi cho vật vã thác ghềnh”… tức là anh quyết tâm dứt, không cần không tiếc làm gì, thế nhưng trong toàn bộ giai điệu, ngữ khí thấy đau lòng như xé ruột. Câu cuối; Tiêu tương ơi con sông nghẹn ngào gió tơ đồng một khúc tính tang tang, ta đi, ừ ta đi. Nhưng tôi hình dung từ câu chuyện dân gian: khi sự việc mới xảy ra, chàng Trương Chi vẫn đầy sĩ khí tuy nhiên vài tháng sau anh tự tử. Tôi định viết tiếp khúc sau khi anh tự tử, lấy tên Sông ơi hãy đợi, ngược với Chảy đi sông ơi, dự kiến viết 1 chùm ca khúc về Trương Chi và làm sống lại con sông Tiêu tương.
Bây giờ ca ngợi một con sông như sông Cầu, sông Thương, sông Chảy, sông Hương,… mà viết tốt, đạt hiệu quả đã là tốt nhưng con sông Tiêu Tương không còn trên bản đồ nữa, vậy bằng chùm bài hát về Trương Chi, kết thúc ở bài Sông ơi hãy đợi tôi muốn làm một việc đầy khát vọng là làm sống lại con sông đã chết. Tôi tham vọng đến mức, về sau có khách ở miền Nam, Cà Mau, Tây Bắc về, họ không hiểu địa dư nhưng qua các bài hát về Trương Chi họ nghĩ con sông Tiêu Tương vẫn còn ở Bắc Ninh. Đến Bắc Ninh, người ta vẫn mong muốn hỏi tôi đi thăm con sông Tiêu Tương, nhưng thực ra Tiêu Tương còn đâu.
Tôi xin chia sẻ tham vọng với một chùm bài hát về Trương Chi. Đầu tiên là Tiếng hát Trương Chi, bắt đầu bằng việc anh đánh cá trên dòng sông Tiêu Tương rồi Khúc hát phiêu ly là đoạn đau khổ đến tột đỉnh nhưng vẫn đầy sĩ diện và lòng tự ái của người nghệ sĩ. Cuối cùng là Sông ơi hãy đợi, tức là sông ơi, chờ ta một chút, Tiêu tương ơi, Tiêu tương nỡ lòng nào bỏ ta đi, hãy đợi ta một chút. Khi ta với ngươi cùng gắn bó với nhau, cùng xuôi ngược thì sông ơi hãy đợi ta một chút… Trong lúc tuyệt vọng anh chàng đã nhảy sông tự tử. Đấy là kết thúc của 5 bài về Trương Chi tôi dự kiến và bài hát trên là một. Nếu có thời gian, có dịp tôi sẽ làm, bài thứ 4 là Khúc hát phiêu ly và bài thứ 5 là Sông ơi hãy đợi khi anh Trương Chi chết. Tôi hy vọng nếu có đủ thời gian và tâm sức để hoàn thành đây sẽ là chùm ca khúc đóng góp vào nền âm nhạc, làm sống lại một câu chuyện tình, sống lại một con sông đã chết. Đó cũng là ý tưởng của tôi cho bài hát này.
2. Bên dòng sông Cái
Bài tiếp theo là Bên dòng sông Cái, bài hát nói về con sông Cái, sông Hồng. Ngày xưa khi còn là một đứa trẻ, đi từ Hà Nội về Bắc Ninh thăm ông bà, tôi vẫn nghe ông bà gọi là sông Cái. Khi trở ra, cứ phải qua cầu sông Cái mới sang được Hà Nội. Con sông Cái chính là sông Hồng, con sông đẻ ra nền văn minh sông Hồng.
Bài hát Bên dòng sông cái không đến nỗi ít hát lắm, gần đây một số ca sĩ trẻ đã tìm đến bài hát và giới thiệu nó trong nhiều chương trình, nhiều tụ điểm âm nhạc. Bài hát là sự dung hòa giữa Chảy đi sông ơi và bài Về quê, là tâm niệm của người con xa quê, canh cánh nỗi niềm về quê hương.
Con sông quê tôi nước như làn da màu hồng
Ông bà tôi, cha mẹ tôi vẫn gọi dòng sông Cái
Dòng sông muôn đời dạt dào
Chắt chiu tháng ngày những cánh đồng thẳng cánh cò bay
Cây lúa quê tôi cây nhãn quê tôi lớn lên trên đất xa bồi
Rất riêng hương vị đậm sâu
Ngọt ngon như chằng thấy ở đâu
Còn tôi tuổi Xuân bay khắp bốn phương trời
Mải mê những bến bờ xa xôi
Bỗng một chiều đứng chết lặng bên dòng sông xưa
Ôi sông Cái, sông Hồng dòng sông mẹ, mênh mông
Gió sông Hồng thổi trong lòng tôi
Gió sông mẹ lại gọi trong lòng tôi
Những bờ tre bãi mía hát lên rì rào
Như tha thiết trao nhắn bao lời ngọt ngào
Tiếng gọi ai lan tỏa mênh mông giữa thinh không
Gió trên nguồn thổi qua triền đê
Gió kênh buồn lồng lộng hồn quê
Trước dòng sông, tôi người con châu thổ
Bàn chân sẫm đất cõi lòng đăm đăm
Trong sâu xa căn nguồn thăm thẳm
Có một miền, có dòng sông ngóng trông, vẫy gọi mãi
Ấy là quê tôi.
Bài hát là nỗi niềm của người con xa quê, nghĩ về tiếng gọi của quê hương qua tiếng gọi của dòng sông, đấy là Bên dòng sông Cái.
3. Vũ điệu con cò
Bài hát này cũng phần nào giải đáp 1 trong 7 điều chị Châu nói, nó mang âm điệu, tâm hồn dân gian nhưng gắn với đời sống đương đại. Sự kết hợp giữa dân gian, truyền thống và làm thế nào để gắn được vào đời sống hôm nay, làm thế nào để lớp trẻ yêu quý, tôi xin trình bày thế này.
Dù dân gian và truyền thống có sâu, có kỹ đến mấy nhưng bản thân tâm hồn, cuộc sống người nhạc sĩ là mình phải gắn với nhịp điệu của đời sống đương đại, mình phải đồng hành với đời sống đương đại, phải yêu cuộc sống hôm nay và cụ thể là yêu lớp trẻ. Phải coi trọng lớp trẻ thậm chí nể trọng lớp trẻ bởi họ quyết định cuộc sống. Nói họ quyết định khi ca sĩ là người trẻ, người thưởng thức cũng là người trẻ. Nếu như chỉ có dân gian đơn thuần mà nhạc sĩ không đồng hành với lớp trẻ, không đồng hành với cuộc sống (đồng hành theo nghĩa sâu, nghĩa bóng là truyền thống được truyền qua sự ham mê, đồng điệu với lớp trẻ, đồng điệu với cuộc sống hôm nay) thì lớp trẻ khó có thể tiếp nhận được. Nếu đơn thuần là một nhà khảo cứu, một người tay nghề cao về dân gian, tái hiện lại những Chèo, Ca trù hay làn điệu dân gian gì đó mà không có sự đắm đuối đến tận cùng, không là bạn của lớp trẻ, không là bạn của công chúng sẽ tạo nên cự li.
Vũ điệu con cò là ca khúc mà khi viết tôi mong muốn những gì đầy năng động, đầy tươi khỏe của lớp trẻ được hòa lẫn, tức cái truyền thống, cái nhịp điệu trẻ. Thậm chí khi nghe nhạc Rap của thế giới tôi cũng muốn đưa vào nhưng không ứng dụng một cách máy móc, Rap đấy nhưng đầy chất Việt Nam, đấy là định hướng tôi vươn tới. Một mặt giữ được những di sản của xứ sở, của tổ tiên ông bà nhưng đồng thời cũng yêu lớp trẻ, thì đây là một thí dụ tiếp theo.
Vút lên thiết tha cánh cò quê tôi
Trong bão trong mưa rào
Ɗù đan bom thét gào
Gian nan vất vả khổ đau mênh mông
Vẫn vút lên khát khao cánh cò quê tôi
Cánh cò quê tôi ngược xuôi đong đả
Ɲơi đồng cạn đồng sâu
Ѕớm hôm tất tả cùng mưa nắng lo âu
Cánh cò quê tôi
Thảo thơm trong trắng
Ɓao chi chút уêu thương
Ɗù tép tôm no đói
Vẫn đùm bọc vấn vương
Cánh cò, cánh cò
Từ trong câu ca xưa
Đã ngàn năm cánh cò mang nặng ước mơ
Ɲàу cò ơi hỡi baу lên đi baу lên baу lên cho trời xanh xao xuуến
Điệp khúc:
Qua rồi bão giông… những cánh chim vật vã
Qua rồi những cơn bão táp lửa bom
Đất lành đã уên
Chân trời hừng sáng
Ruộng đồng tôm cá đang về với ta
Cò ơi hỡi…… hỡi hơi hơi
Hớ hơ hờ hớ hờ hờ hớ hơ hờ hờ
Cánh cò quê tôi lại baу lả baу la
Cánh cò quê tôi lại baу lả baу la
Ɓaу la baу baу lả
Ɓaу la baу la baу la.
4. Trên đỉnh Phù Vân
Một số bài của tôi như Trên đỉnh Phù Vân là dân gian đến cùng nhưng công chúng của thành phố Sài Gòn – công chúng của thành phố hướng ngoại ghê gớm, tất cả model mới nhất của nước ngoài, ban nhạc nước ngoài… đều được công chúng Sài Gòn cập nhật, vậy mà trong mấy đêm diễn Trên đỉnh Phù Vân được báo chí cực lực nêu rõ và khán giả cũng chia sẻ: “Tôi đến buổi thứ 3, thứ 4 của chương trình này chỉ cốt được nghe lại Trên đỉnh Phù Vân”. Vì họ thấy nó gần gũi và lớp trẻ của Sài Gòn cũng rất mê chỉ có điều dám hát hay không, họ ngại ngần sợ rằng khả năng không đủ như Mỹ Linh, không đủ vốn liếng… Nhưng mà công chúng trẻ, công chúng Sài Gòn như tôi vừa nói vẫn chấp nhận Trên đỉnh Phù Vân.
Thế tức là, không chỉ yếu tố dân gian, bài hát cần nhiều điều kiện để có thể đến gần hơn với công chúng. Trước hết nó là một bản tình ca đặc thù và kịch tính viết về tình yêu. Nếu chỉ là tình yêu trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội, thương nhớ gửi thư… thì rất bình thường. Nhưng ở đây, tôi đưa tình yêu vào hoàn cảnh đặc biệt, đưa tình yêu lên tận đỉnh núi. Nhân vật muốn trốn tình yêu phải lên đến tận đỉnh núi, đi vào nơi cửa “Thiền” để trốn tránh tình yêu đau khổ. Vậy mà trên tận đỉnh núi, tận nơi cửa “Thiền”, tình yêu vẫn trỗi dậy một cách ghê gớm và lúc bấy giờ ta khóc ròng 1 câu: “Đâu người ta yêu dấu”. Việc tình yêu được đặt vào bối cảnh mà tưởng rất xa, nơi chỉ còn tiếng chuông chùa, cửa Thiền và mây núi nhưng tình yêu vẫn trỗi dậy cháy bỏng hơn bao giờ hết. Tình yêu được đặt vào hoàn cảnh trớ trêu, điển hình, nhưng càng điển hình lại càng thể hiện được sức mạnh, bản năng của tình yêu. Đấy là một cách ca ngợi sức mạnh tình yêu. Anh trốn đi đâu cũng không được.
Điều thứ hai trong bài hát thể hiện ở nhịp điệu, tiết tấu gần với lớp trẻ, thuận lợi cho ban nhạc điện tử. Những model mới nhất, những tiết tấu, nhạc cụ, âm sắc mới nhất của đàn organ được đưa vào bài hát rất thuận lợi… Tôi muốn giải đáp ý của chị Châu nói, đó là âm nhạc dân gian nếu chỉ đơn thuần khai thác dân gian mà tác giả không đồng điệu, không yêu mến cái trẻ kể cả âm nhạc trẻ sẽ không gần được với khán giả trẻ. Xin thưa với các anh, tôi mê mẩn cái đĩa Chầu văn của anh Nguyễn Văn Ty, mê mẩn một đĩa Then của Lạng Sơn mà có thể nghe đến 7 đêm. Tôi nghe để tìm cách chế ngự, khai thác hoặc thấm nhuần để cải biên nó, thấm nhuần cái hay cái đẹp của băng nhạc dân gian đó. Nhưng đồng thời cũng nghe 5, 6, 7 đêm liền âm nhạc trẻ, cũng mê mẩn, rớt nước mắt với những ban nhạc trẻ. Những bản nhạc của thế giới, những bản nhạc trẻ nghe sướng quá, hay quá. Thế thì bản thân tôi không thể nghiêng về phía nào được. Tổng thể của âm nhạc dân gian, cội nguồn mình yêu quý, truyền thống của ông bà tổ tiên bao nhiêu cũng không thể không biết yêu quý những vẻ đẹp mà thế giới đang có. Có lẽ từ gốc gác ấy, kết hợp nhận thức âm nhạc thuộc về lớp trẻ, mình thuộc về lớp trẻ, nói vui mình phải trở thành và thậm trí phải “bồ bịch” cùng lớp trẻ. Không những bồ bịch mà ý thức mình muốn cho lớp trẻ nó yêu những cái mình có, yêu truyền thống, yêu vẻ đẹp xứ sở một thời mình đã yêu, mình phải có ham muốn, gần gũi và hướng dẫn lớp trẻ.
5. Khoảng trống
Sau đây tôi xin giới thiệu bài Khoảng trống. Ở ca khúc này, tôi có tâm sự cùng các anh. Như chị Châu có nói về cuộc hành trình của tâm linh trong những bài hát của tôi, bắt đầu từ Một thoáng Hồ Tây là cảm nghĩ về những thăng trầm của lịch sử. Đặc tính tâm linh được bộc lộ từ đó, tiếp đến Trên đỉnh Phù Vân cùng một số bài hát trở thành bàn đạp của tâm linh.
So với nhiều ca khúc khác, Khoảng trống đến với công chúng một cách khó khăn hơn, càng ngày tôi càng đi sâu vào bản thể của mình, đi sâu vào cái riêng cá nhân. Và có lẽ thế đã tạo nên khoảng cách giữa tôi với công chúng, phải chăng đây là một đặc điểm của nghệ thuật. Khi nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… càng đi sâu vào bản thể của mình càng cách ly với công chúng. Tôi cũng tâm sự vì đối với cá nhân, với bản thể của mình nó khó hài hòa cùng mọi người. Tôi yêu Khoảng trống vô cùng nhưng nhận thấy mình có nguy cơ sẽ cô đơn nếu đi theo cách này. Giống như Hàn Mặc Tử, càng đi vào chính mình lại càng cách ly với công chúng, nhưng vẫn phải mạnh dạn để nó thành. Tất nhiên tôi không hoàn toàn là thế, nhưng quá trình, hành trình tìm đến tận cùng bản ngã thì chất tâm linh ấy giúp tôi viết Khoảng trống. Đời sống có thể không bằng Trên đỉnh Phù Vân nhưng chặng đường về tâm thức nó tiến xa hơn, tác phẩm như đi vào một miền siêu thực. Tôi muốn miêu tả giờ phút đối diện với ngọn đèn, tôi cảm thấy trong lòng một khoảng trống câm lặng ghê gớm. Như anh Kha nói, nếu không có việc cụ thể, cuộc sống không giao cho mình hợp đồng thì có lẽ không có dịp khai thác một khía cạnh nào đó của mình. Tôi nghĩ rằng, không phải ai cũng giống nhau nhưng mỗi người đều sẽ có lúc đối diện với khoảng trống tê tái, lạnh giá trong lòng. Nếu như không có hợp đồng của cuộc sống, không có đề tài để tự soi lại mình thì cũng không có dịp mổ xẻ ngóc ngách của tâm hồn đến mức độ như vậy. Và tôi được thể hiện ở Khoảng trống. Tôi vẫn nghĩ, có lẽ tự mình đã vượt qua được khía cạnh gọi là tâm thức và tôi đã tự vượt qua Trên đỉnh Phù Vân, vượt qua gì đó như Một thoáng Hồ Tây. Ở bài này, tôi cho rằng cùng hành trình tâm thức tôi đã bước thêm một bước nhưng nguy cơ sẽ trượt, sẽ cô đơn, xa công chúng.
6. Ngược dòng sông Lam
Xin mời các anh nghe một bài hát. Bài hát mang chút tâm linh khi tôi lặn lội trở về với tổ tiên ông bà, có thể cảm nhận được tiếng nói của quá khứ, của xứ sở, của tổ tiên, đó là Ngược dòng sông Lam. Trên tivi có giới thiệu đôi ba lần và nhiều khán giả thắc mắc tại sao không thấy nhắc lại, thì như tôi nói mỗi bài đều có điều kiện của nó.
Ở dòng cuối của bài hát, tôi có cảm giác như các bậc thánh nhân đang linh ứng để “chứng” sự thành tâm của con cháu mình. Trong quá trình dàn dựng, tôi nói dàn nhạc làm thế nào đến đoạn cuối “Mái chèo thiên thu” của sông Lam, không khí linh ứng đến mức trẻ phải nép vào tay mẹ, bấu vào tay mẹ vì thấy sự linh thiêng đang hiện ra. Để làm được điều đó là một tổng thể từ ca sĩ, dàn nhạc, ánh sáng, phục trang, sân khấu…, chứ không riêng một yếu tố nào. Đến đoạn cuối “Sông Lam hỡi, sông Lam, một trời sao đôi bờ sóng biếc vằng vặc soi khắp núi sông lồng lộng. Ta ngược dòng xưa gột sạch bùn nhơ, thỏa mái chèo thiên thu. Xin cúi đầu, cúi đầu trước dòng xanh”, vì chưa thu được, chưa thành đĩa nên tôi chỉ nói để dẫn ra ở đây. Mảng đồng vọng với tiếng gọi của xứ sở và tổ tiên ông bà, thì ca khúc Ngược dòng sông Lam là một điển hình.
7. Phong Châu mở hội
Một ca khúc khác tôi viết về Lam Sơn. Khi vào vùng này, tôi nhập hồn mình vào khí thiêng của sông núi, của vùng đất. Tôi được người dân chia sẻ, vùng đất lạ lắm, kể cả trời mưa to, mưa rào ầm ĩ nhưng đứng ở mảnh đất Lam Sơn nhìn ra bầu trời vẫn sáng. Ca khúc viết về Lam Sơn cũng là bài mà tôi nhập vào dòng ẩn hiện của cha ông, đó là Phong Châu mở hội. Ở bài hát này, tôi cảm nhận như tổ tiên ông bà đang hiển hiện về cùng những dòng nhạc. Tôi thành tâm, kính cẩn và hình dung được những điều đấy: Phong Châu, Phong Châu hạc trắng đang bay về. Nghĩa lĩnh linh sơn chín chín thớt voi đã chầu. Bài hát sẽ nằm trong một trường đoạn của ngày hội và năm tới chị Thành cùng tốp của chị sẽ dàn dựng. Bài hát chứa đựng nét tâm linh nhưng khác với các bài hát trước kia, đồng thời cũng là bài giải tỏa không khí khoảng trống lặng câm trong tôi.
Phong Châu Phong Châu hạc trắng đang bay về
Nghĩa Lĩnh Linh Sơn chín mươi chín thớt voi đã chầu
Gióng cồng lên, nổi trống lên, rước tổ tông về ngự núi thiêng
Để đời sau ân nặng nghĩa sâu, kính cáo trước đất dày trời cao
Khắp gần xa nay thiên hạ thái hòa, lòng người như đơm đầy tiếng ca
Trầm hương bay tựa khói mây, nơi thiên thu giao hòa là đây.
Loa loa loa loa…Hu hoa hu hoa
Này đây trống cơm muôn nhà no ấm
Này đây câu giao duyên ân tình ta cùng mình
Khúc hát xoan cho thêm hồng đôi má
Hội xuân đón mời hãy ghẹo vài lời
Ta đưa nhau vào trong ca dao, chân theo chân lòng nghe xôn xao
Kìa tiếng cồng giong như thuở ấy Châu Phong Vua Hùng du xuân xuống đồng
Tầm vông ý a vông tập. Tầm vông ý a vông tập, tầm vông vông tầm vông
Ta theo Vua Hùng du xuân xuống đồng
Này đây bánh chưng bánh dày dâng lên
Thủy chung đây cau trầu trước sau lâu bền
Vẫn vuông tròn đất trời ngàn xưa
Dòng máu vẫn thắm nồng cháu con lạc hồng
Nghe âm vang từ trong mênh mang, lời Hồng Bàng lời xưa Văn Lang
Giục giã lòng ta trong điệp khúc bài ca, đây ngàn năm non nước nhà
Tầm vông ý a vông tậpTầm vông ý a vông tập, tầm vông vông tầm vông
Ta ca đây ngàn năm non nước nhà.
Gióng cồng lên, nổi trống lên. Gióng cồng lên, nổi trống lên
Rước tổ tông về ngự núi thiêng. Rước tổ tông về ngự núi thiêng
Đoạn cuối Gióng cồng lên, nổi trống lên. Gióng cồng lên, nổi trống lên. Rước tổ tông về ngự núi thiêng. Rước tổ tông về ngự núi thiêng và đoạn trước là đang thỉnh, thỉnh tổ tông về ngự núi thiêng.
8. Ta nghe Nha Trang
Chất trẻ như Hẹn gặp Madila trong chương trình bế mạc Paragame là cực trẻ. Hoặc Ta nghe Nha Trang cũng là trẻ và nhiều bài trẻ tôi đã viết trước đó, như Trăng thu; Mặt trời, biển, Cát và em… thì trẻ hoàn toàn. Nhưng tôi xin giới thiệu với các anh một bài, một trong những bài mà lấy không khí trẻ trung và mang nét truyền thống xa xưa, đau đáu nghĩ về một điều gì đó. Bài hát viết nhân dịp 300 năm Nha Trang, nhưng không nằm trong dịp lễ hội mà ở phần viết thêm. Nếu được dàn dựng đúng dịp lễ của Nha Trang, bài hát rất hợp nhưng muộn quá. Sau khi dựng xong kịch bản cho lễ hội, Sở Văn hóa mời thêm các nhạc sĩ nhằm tổ chức một chương trình, gọi là hỗ trợ cho ngày hội và tôi viết Ta nghe Nha Trang.
9. Gọi anh
Xin giới thiệu cùng các anh một bài hát viết về miền núi. Thường thì nhạc của Phó Đức Phương viết về đồng bằng, châu thổ; nhưng mảng miền núi của tôi cũng rất nhiều bài, với Mộng mị Sa pa, Đợi nàng. Và hôm nay tôi xin giới thiệu cùng các anh một bài rất giản dị, rất mộc mạc nhưng dễ thương vô cùng, tôi phát triển từ chất liệu của Cọi, đồng thời tôi lấy luôn bài hát tên là Gọi, tức Gọi anh.
Bài hát mộc mạc, dễ thương, tôi rất yêu nó. Có câu chuyện thế này, khi có việc ở Đài phát thanh (hình như thu bài Đền Hùng), sau bao ngày vất vả, có hôm tầm 11 rưỡi gần 12 giờ Hoàng Lương nó mệt đến mức các tác giả gọi đến thu bài, Hoàng Lương bạn tôi còn cãi nhau trên điện thoại. Tôi mới nói: “Thôi Lương ạ, anh em mình mệt quá rồi, bây giờ tôi cho ông nghe bài này. Anh em mình gian truân trong nghề quá khổ rồi, nhưng trong sự gian truân đôi khi cũng có niềm an ủi. Trong quá trình lặn lội với đời sống, lặn lội lên rừng xuống biển, giờ này tôi giới thiệu với ông một bài hát để giải lao. Hy vọng trong đời sống gian truân này chúng mình vẫn được an ủi giống như lên rừng xuống biển đào mỏ đôi khi vớ được một bông hoa quý, một quặng quý rồi tạo tác nên nó, đó là cảm giác rất sung sướng”. Quả thực khi nghe xong Hoàng Lương quên hết mọi bực dọc, cáu gắt với tác giả, chúng tôi lại ngồi an ủi nhau, uống rượu cùng nhau, sung sướng bên nhau. Thì đấy là Gọi.
Bài hát được viết dựa trên bài Cọi của một cô bé, một cô ca sĩ nghiệp dư, xin vào đoàn Việt Bắc. Cháu nó hát làm tôi xúc động, về sau tôi dựa vào đó phát triển và viết bài Gọi anh.
Em chỉ là bông hoa núi, cuộn sau bao tán lá.
Rừng cây che phủ anh có biết đâu mà
Em mong ngày mong tháng, hết nắng rồi lại mưa
Hoa đến thì hoa nở, em đến thì em chờ, chờ đợi anh
Em như dòng suối ở cạn đợi cơn mưa núi
Lẻ đơn hoang dại mà lòng em thắm thiết nương ngàn
Con nai rừng ngóng bạn, con chim tìm đợi đôi
Xôn xao mùa xuân về anh có nghe em gọi
Hỡi anh
Sự mộc mạc, giản dị trong bài hát đến từ thuở ban đầu. Tốp ca vào Ơi bông hoa rừng, ơi bông hoa núi… thể hiện nỗi niềm của cô gái. Nó tủi thân vì nó gọi, nó đợi Hoa đến thì hoa nở, em đến thì em chờ, chờ đợi anh.
Bài này trong tâm trạng lúc nào đó đã đủ để tôi và Hoàng Lương lúc 11 rưỡi đêm, nhất là Hoàng Lương có đau khổ, có càu nhàu, vất vả mà nghe xong hai thằng thấy dịu hết lòng. Trong quá trình lặn lội, phục vụ cuộc sống, lặn lội với sự nghiệp âm nhạc đôi khi xoa dịu lòng người như bài hát này.
Bây giờ xin các anh cứ cởi mở, có điều gì cần trao đổi hay tâm sự các anh cứ chia sẻ. Tôi xin nói thêm: Để nhận lời tham gia buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi e ngại vì coi như mình tự lột tả hết trước đồng nghiệp, bậc đàn anh trong giới và bạn bè. Chặng đường nó còn dài, còn đang nửa đường nửa đoạn cũng chưa đến lúc, chưa đến thời điểm tính đến việc này. Nhưng tôi cho rằng đây cũng là một sinh hoạt âm nhạc rất có ý nghĩa, nếu có duyên sẽ có nhiều điều thú vị (như khi tôi dự buổi nói chuyện của anh Phan Huỳnh Điểu, đúng là anh rất duyên, anh nói được nhiều điều và rất vui). Tôi thì không quen nên có thế nào cứ bộc lộ như thế, giống như mình lật trái mình ra trước mặt các anh. Thời gian có hạn nên có thế nào xin giới thiệu với các anh như vậy, phần nào để các anh, các chị hình dung một cách toàn diện nhất.
Những ý kiến trao đổi
Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi rất hoan nghênh Viện Âm nhạc đã tổ chức các buổi gặp mặt tác giả thế này giúp chúng ta trao đổi cùng nhau, chia sẻ những vấn đề mà trên báo chí không nói được hết. Riêng đối với tôi, tôi tự xếp mình vào thế hệ đi trước một chút, một chút thôi. Và chúng tôi rất yên tâm khi có được lực lượng nhạc sĩ kế tiếp sự nghiệp sáng tác như Phó Đức Phương. Tại sao tôi nói vậy? Sau giải phóng miền Nam, có dịp vào Sài Gòn tôi rất lo vì quan điểm nghệ thuật khác nhưng không có sự tìm tòi, khắc họa bản sắc cá nhân trong đó. Vừa rồi một số nhà báo có hỏi tôi vấn đề đạo nhạc. Tôi chia sẻ ngoài này không có đâu, bởi mình nghĩ như thế nào, tấm lòng mình như thế nào mình viết như thế. Thường anh đạo nhạc do dàn dựng quá nhiều thứ của mọi người, dàn dựng nhiều nên đôi khi nghĩ là của mình.
Trong sáng tác ca khúc, những nhạc sĩ viết tốt đều chăm chút, đầu tư đến phần văn học, ca từ. Bởi phần văn học không đơn giản chỉ là vần điệu mà còn thể hiện tư duy, tình cảm cũng như quan điểm của tác giả. Riêng đối với Phương, các ca khúc có đặc điểm chữ nghĩa không sơ lược, có sự tìm tòi, đặc biệt hơn chữ nghĩa đi đôi với âm hưởng để diễn đạt. Tôi nhớ, cách đây đúng 20 năm (1984), NXB Thanh Niên có mời tôi giới thiệu một số bài hát, hồi ấy tôi có chọn Cô gái Quan họ của Phó Đức Phương. Cá nhân tôi tiên đoán, Cô gái Quan họ sẽ là giấy thông hành để Phó Đức Phương đi vào con đường sáng tác nghệ thuật. Và về sau, càng nghe tôi càng thấy nhiều điều tâm đắc trong sáng tác ở Phó Đức Phương.
Chia sẻ với các anh, tôi rất ngạc nhiên, đợt này đi chấm nhiều cuộc thi từ Nghệ Tĩnh trở ra, thậm chí ngay cả phía Nam người ta rất khoái Về quê. Đi đâu cũng hát Về quê, không phải chỉ dân chuyên mà cả các anh nghiệp dư, các bà, các chị khi ngồi bên nhau cũng bánh đa, bánh đúc. Tôi cho rằng phong cách dân gian của Phương đi vào đời sống rất nhiều, đây không phải điều dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Tôi nghe nhiều bài ở miền Nam nhưng sơ lược lắm. Đây là bài mà ít nhiều nhắc đến việc đừng quên cội nguồn, chúng ta nơi đô thành nhưng phải luôn nhớ về cội nguồn. Tóm lại, trong lĩnh vực ca khúc tôi thấy có Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến…, khi viết ca khúc các anh rất chăm chút ca từ và những ca từ ấy xuất phát từ một người làm nhạc nên không hề gượng ép. Tôi xin nói rộng hơn việc gần đây một loạt nhạc sĩ nhờ anh Dương Thụ cho cái hồn lời ca vào ca khúc. Một sự bất đắc dĩ, khác với việc tư duy, hoàn thiện các ca khúc như các anh đã làm nhằm đảm bảo yêu cầu về nghệ thuật.
Tôi rất mong Phương sẽ tiếp tục con đường của mình. Một vài bài như Gọi anh, cứ viết đi, mình phải viết cho riêng mình. Xã hội vẫn yêu cầu nhiều thứ và nên đi vào đời sống nhiều hơn, càng đi vào các vùng miền núi chúng ta càng thấy sự nghiệp sáng tác được giàu thêm nữa.
Nhạc sĩ ?: Anh Phó Đức Phương lo sợ những sáng tác sau này đi vào riêng tư sẽ xa quần chúng, tôi cho rằng không phải lo việc đó. Mỗi người nhạc sĩ đều có góc nhìn của riêng mình và anh Phó Đức Phương cứ thế đi. Ngày hôm nay không phải buổi tổng kết, nhưng từ chuỗi ca khúc anh giới thiệu, những ca khúc chúng tôi được nghe qua sóng, trong cuộc sống và từ việc quần chúng thưởng thức tác phẩm của anh tôi thấy rất đạt. Từ Trên quê hương Quan họ cho đến những bài gần đây đã cho thấy đặc điểm riêng của Phó Đức Phương mà người khác không có. Như vậy anh cứ viết thôi, mỗi người sẽ có cách nhìn khác nhau. Cái đáng mừng là chúng ta vẫn đi theo dòng của chúng ta nhưng giữ được chất dân tộc rất hiện đại. Mấy năm qua, nghị quyết trung ương cứ sợ chúng ta sẽ đi xa bản sắc dân tộc, nhưng chính những anh làm chuyên nghiệp đã thấm đậm vào mất rồi, vì thế nó không đáng lo ngại. Vấn đề là giữa hiện đại và dân tộc nó hòa quyện thì ở anh Phương đã có đáp số.
Được dự buổi trao đổi hôm nay, tôi mong rằng anh Phương sẽ phát huy và đầu tư vào mình, vào những trăn trở của mình. Trước đây tôi đã nghe tâm sự của anh Phương phỏng vấn trên làn sóng, có người hỏi: “Anh viết bài Về quê có phải một thứ Xẩm hiện đại không?”. Anh nói rằng: “Tôi chấp nhận cái Xẩm hiện đại đấy”.
Tôi nghĩ cái đó rất hay, bởi nó đơn giản thôi nhưng quần chúng chấp nhận được. Nhiều nhạc sĩ đi theo dòng 2, 3 measure (ô nhịp) đã chuyển điệu, người ta cho như thế là hiện đại nhưng quần chúng không chấp nhận. Ở tác phẩm của anh, nó đơn giản nhưng gần gũi và kết cấu của nó quần chúng rất thích.
Như anh Phương nói: Phía trước của mình là giới trẻ. Mình bây giờ có tuổi rồi mà mình hòa nhập được thì tôi cho đó là trăn trở mà cuộc đời người làm nhạc mong muốn. Già trẻ không còn phân biệt, tức là anh dung hòa được cuộc sống hiện tại không, để rồi trả lại cho đời những tác phẩm? Tôi hoan nghênh anh Phương và tôi tới dự đây cũng chỉ để nghe anh Phương chia sẻ về những suy nghĩ mà hiện nay anh còn trăn trở.
Nhạc sĩ ?: Tôi cũng xin có ý kiến ngắn thế này. Tôi biết anh Phương hơn 30 năm, có thời kỳ là hàng xóm gần chục năm ở khu tập thể Vĩnh Hồ. Thỉnh thoảng chúng tôi đến chơi với nhau nên có sáng tạo gì hay sáng tác gì mới đều cho nhau nghe. Thế nhưng hôm nay được nghe tác phẩm của anh, những suy nghĩ của anh khi viết, tôi lĩnh hội được một điều: “Âm nhạc của anh Phương đa dạng lắm, không nói đến khí nhạc, ở đây chỉ nói đến ca khúc cũng đã nhiều màu sắc rồi”. Không phải chỉ tính trữ tình, tôi thấy có nhiều tính chất trong này, từ tính thơ, tính triết lý, tính kịch. Và dòng ca khúc của anh Phó Đức Phương có thể nói rất phổ biến trong công chúng với Trên quê hương Quan họ, Hồ trên núi,… Quần chúng thích ghê lắm, họ hát nhiều. Có tác phẩm nổi bật ở tư duy sâu, phản ánh nội tâm con người và thể hiện tính chất nghệ thuật rất cao.
Điều trăn trở của anh em nhạc sĩ luôn mong muốn tạo cho mình một cá tính riêng, cái này không dễ. Nhiều nhạc sĩ có khi viết nhiều ca khúc, đọng lại một số nhưng khi hát lên người ta hiểu tính chất của ông nhạc sĩ A, ông nhạc sĩ B. Cái đó nó không phải phong cách, nó là cá tính. Đây là điều cực kỳ quý thì anh Phương đã làm được. Chúng ta nghe tất cả ca khúc của Phó Đức Phương vẫn thấy rất rõ cá tính của anh, mặc dù mỗi bài một dạng, đều bắt nguồn từ dân gian, từ truyền thống. Những chỗ ngâm ngợi, ngay cả nhạc nhẹ cũng vậy, cũng thấy chất của anh Phương. Có điều băn khoăn khi chúng ta cứ lo nhạc nhẹ, nhạc trẻ bây giờ nó đi lệch, không còn gì của truyền thống. Hiện nay chúng ta thấy cách phối âm, phối khí… cho ca khúc rất nhạc trẻ và lớp trẻ tiếp thu được thì rất dân gian, dân tộc. Tôi thấy cái đó là cái thành công của anh Phương và anh phát triển đi.
Nhạc sĩ ?: Tôi chia sẻ điều này: Những năm đưa đoàn bên Nhà hát ca múa nhạc sang Trung Quốc, Triều Tiên biểu diễn, có tốp ca nữ hát bài Trên quê hương Quan họ, chúng tôi giới thiệu Phó Đức Phương là tác giả ca khúc, bên Trung Quốc nói: “Không, đây là dân ca Quan họ, anh có ghi nhầm không?”. Ban tiếp tân, ban tổ chức khi đó duyệt từng bài một, kể cả Vó ngựa trên đường ra trận của Hoàng Đạm (phải đổi thành Vó ngựa đi săn), có đánh quân Nguyên, nó đánh mốc lịch sử ở thời điểm nào? Bài của anh Phương cũng được hỏi: “Dân ca Quan họ, chúng tôi được hiểu như thế, tại sao lại có tên tác giả? Không đúng là có tên tác giả”. Như thế tức là nó lẫn lộn, nó nhuyễn đến mức người nghe nhầm tưởng nó là dân ca Quan họ, người nước ngoài cũng như vậy. Tôi bảo, tác giả công tác với tôi, tôi biết tác giả. Thì để thấy anh rất thành công từ mảng truyền thống cho đến hiện đại.
Tôi quý Phó Đức Phương, yêu nhạc Phó Đức Phương từ thời Quê hương Quan họ. Anh là người có tâm, có hồn lại chăm chỉ, cần cù. Tôi lấy ví dụ, khi anh muốn sáng tác về Thái Nguyên cho hội diễn, anh kể với tôi phải nghe nhiều đêm những bài dân ca của vùng. Mình muốn viết ra màu sắc dân tộc, phải biến tất cả bài dân ca, âm nhạc truyền thống ấy thấm vào hồn mình cho đến khi nó toát ra như ngôn ngữ, màu sắc của riêng mình. Điều này Phó Đức Phương làm được. Phó Đức Phương đi sâu vào dân tộc, nghiên cứu đến tận cỗi rễ, thấm nhuần vào trong tâm hồn, cho nên khi trở thành bài nhạc của mình, do mình sáng tác nó vẫn mang âm hưởng dân tộc nhưng không giống bất kỳ một bài dân ca nào. Tôi nghĩ rằng điều đó rất quý và như tôi phát biểu ở Hội nghị Lý luận trung ương: Đáng lo ngại khi một số sáng tác trẻ hiện nay quá thiên về âm điệu nước ngoài, lai căng nhiều thứ mà bỏ đi vốn dân tộc, là khuynh hướng không hay.
Tôi nghĩ Phó Đức Phương chính là một tấm gương, chúng ta có thể nhân rộng tấm gương này bằng những buổi nói chuyện, giới thiệu tác phẩm của anh và bản thân anh nói lên tâm sự như vừa rồi. Con đường sáng tác của Phó Đức Phương cực kỳ thú vị, anh luôn bám vào dân tộc, truyền thống nhưng vẫn hiện đại, vẫn có ngôn ngữ để nói chuyện cùng lớp trẻ, vẫn giữ được con người Việt Nam. Đấy là điều rất quý, tôi nghĩ làm sao việc này có thể mở rộng và cùng các vị lão thành khác mở những lớp huấn luyện, lớp bổ túc, tập trung một số sáng tác trẻ miền Nam, miền Bắc và giúp họ thấy việc đi vào cội nguồn dân tộc không có gì là thiệt. Bắt chước Tây, Mỹ là chuyện thường quá, bây giờ làm sao vẫn Việt Nam nhưng mới, đó là cái khó.
Nhạc sĩ ?: Tôi xin nói mấy câu thôi. Cách đây mấy chục năm, tôi đã biết Phó Đức Phương, tôi luôn quý trọng vì những sáng tác của anh rất gần gũi với cuộc sống: Hồ trên núi, Những cô gái Quan họ,… gần đây có những bài rất đơn giản như Về quê. Khi về quê, (tôi ở Bắc Ninh) lên gặp chủ tịch hay bí thư thì biết các ông rất thích hát bài này. Trước mặt các nhạc sĩ, bí thư cũng hát bài này. Tôi cho đấy là thành công của anh.
Tôi quý Phó Đức Phương như là anh Nguyễn Cường trong việc biến dân ca, nhưng ở đây có những vấn đề không nêu lên. Ở Phó Đức Phương rất phong phú, phong phú trong những tìm tòi từ đơn giản đến rất phức tạp. Sự phức tạp được thấy trong giai điệu của Oratorio hay Aria trong ca kịch; có bài thuần túy, đơn giản như ca khúc Cô gái Quan họ, Về quê, Hồ núi cốc đã đi vào đời sống. Bây giờ chưa chắc giới trẻ thích là hay nhưng giới trẻ chấp nhận cũng là thước đo để thấy sự thành công trong thử nghiệm âm nhạc. Phó Đức Phương làm được điều đó, tức là giới trẻ cũng thích, người già cũng rất thích. Về quê mới đầu nghe giống Xẩm, có chút “thảm thảm” nhưng càng nghe càng thấy triết lý trong đó, sống nơi đô thành đừng quên gốc rễ. Thế nên các ông lãnh đạo không dính líu đến âm nhạc rất thích hát bài này.
Nhạc sĩ Hoàng Dương: Về Phó Đức Phương tôi có cảm tưởng như một Nguyễn Bính trong âm nhạc, tôi rất thích thú. Nhạc sĩ thể hiện tình cảm dành cho nông thôn rất sâu, giống như Nguyễn Bính dành cho Lỡ bước sang ngang hay Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, những cái tưởng như mộc mạc nhưng rất sâu sắc.
Khi nãy anh Phương có chia sẻ đi tìm cái riêng, tôi thấy chính trong chủ nghĩa Lãng mạn đã coi trọng nhân cách văn hóa hay còn gọi là cá tính. Họ nói Bach và Mozart dù là thiên tài nhưng không có cá tính hay cá tính thể hiện mờ nhạt. Nhưng ở Schumann, Schubert, Wagner, cá tính được thể hiện rất mạnh mẽ. Victor Hugo đã nói rằng: “Thật phi lý khi nói tôi không phải là anh”. Một câu nói nổi tiếng của ông: “Khi mỗi cá nhân càng đi sâu vào bản thể của mình thì chính là người khác”. Câu này ngẫm ra rất sâu và tôi cảm thấy đúng như thế. Các ca khúc về nông thôn của anh Phương có những đặc điểm đó. Anh càng đi sâu vào cá tính của mình thì chính anh là người khác, người khác cũng có. Do vậy, việc làm nên bản lĩnh của người nghệ sĩ là khi anh càng đi vào thế giới của mình, anh càng gặp những người khác. Và đây là những ưu điểm của Phó Đức Phương.
Anh Vũ Tự Lân nói tôi rất tán thành, tôi cảm nhận được sự cần mẫn, chăm chỉ trong nghệ thuật tu từ và nó gắn bó hữu cơ với nét tuyền luật chứ không đứng ngoài lề cấu trúc melodi. Tất nhiên không phải bài nào tôi cũng thích, nhưng từ Trên quê hương Quan họ cho tôi thấy sự chân thành với cội nguồn và những ca khúc về sau của Phó Đức Phương vẫn giữ được truyền thống đó. Từ đó tạo nên một Phó Đức Phương cho âm nhạc giống như Nguyễn Bính trong thi ca. Đấy là cảm giác của tôi.
Nhạc sĩ ?: Thưa các anh, các chị, các bạn, đồng trang lứa với anh Phương thế hệ chống Mỹ, tôi rất tự hào về anh bởi trong thế hệ chúng tôi, anh Phương nổi tiếng rất sớm chứ không chín muộn như chúng tôi. Khi gặp anh lần đầu, về sau giữ mối quan hệ, chơi với nhau, tôi rất nhớ một kỷ niệm khi chúng tôi trở về từ biên giới. Trong người tôi còn khắc khoải, lẫn lộn về tư duy vì còn choáng. Tâm lý một người đi lính, đánh nhau với ngay đồng chí của mình thì rất choáng.
Tôi được nghe anh Phương hát ở nhà anh Vũ Mạnh Thường bài Tacano nhân chứng quả, tôi cho rằng cá tính của anh Phương đã xâm chiếm được tôi. Sau đó chúng tôi chơi với nhau. Tôi biết nhiều bài của anh Phương và càng nghiên cứu, càng ngẫm nghĩ, tôi biết đặt bạn mình ở chỗ nào trong tiến trình của lịch sử Âm nhạc Việt Nam, nhất là Tân nhạc. Tôi đang viết sách Bản sắc dân tộc trong Tân nhạc, tôi cho rằng khai thác dân ca trong tân nhạc Việt Nam, tức là cái giao hòa dân ca trong tân nhạc Việt Nam có rất nhiều thời kỳ và là các vỉa quặng mà người ta khai thác. Tôi cho rằng thời tiền chiến chúng ta là nô lệ, tâm trạng của người Việt là nô lệ nên căn bản anh khai thác nỗi buồn của dân ca và cũng có cái thành công: Cô lái đò – Nguyễn Xuân Khoát rồi một số bài khác có một chút hóm hỉnh vì tâm trạng bức bối. Nhưng đấy là nô lệ. Vỉa thứ 2 là Phạm Duy, Đỗ Nhuận, Tô Vũ…, họ đã khai thác dân ca theo định hướng mà tôi cho rằng cái rất thiên tài của Bác Hồ, đấy là dân tộc. “Khi anh đi tận cùng của dân tộc, anh sẽ gặp thế giới”, một câu nói rất hay. Một thời đại dân ca được khai thác rất tuyệt vời nhưng vẫn dừng ở mức rất gần với dân ca. Theo tôi, việc khai thác mang tính chất lộ thiên vì khi đó vỉa dân ca của mình quá giàu nên các bác nhấc một ít và tôi thấy đều hay cả.
Tuy nhiên còn hạn hẹp khi chỉ dừng lại ở khai thác dân ca người Kinh. Cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp thì tôi có ra một bài Trận Điện Biên trong âm nhạc, nhờ chuyến công tác lên Tây Bắc, chúng ta mới ngộ ra rằng dân tộc không phải chỉ có người Kinh mà có cả các dân tộc khác nữa. Và âm nhạc bước vào cuộc chiến đấu gọi là Trận Điện Biên trong âm nhạc, cho đến nay vẫn chưa dừng. Thế hệ kế tục các anh ở chống Mỹ cũng rất quan trọng, có anh Quý, anh Hồ Bắc, anh Phạm Tuyên, các anh khai thác phần anh hùng ca và trữ tình trong dân ca rất giỏi. Anh Phương cũng cùng thời đó nhưng có lẽ do chất của anh nên không đi vào mảng đấy lâu hơn.
Sau chiến tranh, có 4 anh, anh Cường, anh Phương, anh Tiến và anh Thụ chơi thân với nhau, tôi lại có cảm giác về hội họa, không còn cảm giác về thơ. Tất nhiên nó cũng là khập khiễng, hơi giống thôi. Ở anh Trần Tiến có cái bạo, có cái đời của anh Nguyễn Sáng. Anh Thụ có cái khinh khỉnh, cái kiêu sa của anh Dương Bích Liên. Anh Nguyễn Cường có nét rất phố cổ, mặc dù anh viết về Tây Nguyên nhưng vẫn chứa đựng phố cổ như anh Phái. Anh Phương tôi thấy rất gần với anh Nguyễn Tương Liêm, giai điệu của anh như nét vẽ của anh Nguyễn Tương Liêm, nó được khai thác rất tinh tế và tôi cho rằng đó là cá tính của anh không lẫn với ai được. Anh chính là một Nguyễn Tương Liêm trong nét này.
Trước có nói là chất dân gian riêng, chất tâm linh riêng tôi nghĩ không phải, trong chất dân gian có tâm linh, tức là anh Phương đang khai thác chất tâm linh của dân ca. Tôi rất xúc động khi tổ chức một chương trình và tôi ở Ban tổ chức chương trình đó, khi cô Mỹ Linh ra hát Trên đỉnh Phù Vân ở Sài Gòn không có nhạc đệm, hát tay bo và hôm đấy tôi bừng ngộ. Tôi còn gọi anh Phương, còn cãi nhau cô này hát sai lời, biến tấu đi nhiều thế mà buổi tối cô hát cực kỳ xúc động, tôi cho rằng đấy là đích thực, mang được văn hóa gọi là văn minh sông Cái vào văn minh Cửu Long một cách hòa trộn. Việc các tác phẩm của anh Phương càng ngày càng đi sâu vào tâm linh hơn, nếu Trên đỉnh Phù Vân là duyên ngộ, rồi một số tác phẩm Mái chèo thiên thu thì đến Khoảng trống anh Phương bắt đầu giác ngộ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Xin kính cẩn hát tặng các anh và các bạn nhà báo một bài hát, gọi là hát nhưng nó là tâm sự, bộc lộ một quan niệm. Tôi hát tặng bài này với ý tưởng ngoài nhạc, ngoài lời, nó còn là quan niệm, cách nghĩ về cuộc sống. Tôi xin tặng các anh bài hát mà dựa vào 4 câu thơ của một cố họa sĩ, nhạc sĩ Tường Vân (đoàn kịch nói Hải Phòng). Anh đã mất trong tình trạng đau lòng mà tôi không muốn nhắc đến, nhưng cũng từ đó tạo ra cho tôi ý nghĩ về cuộc đời con người. Trên cơ sở 4 câu thơ, tôi cũng cấu lại tứ và tiếp đầu, tiếp đuôi vào để hoàn chỉnh một ca khúc. Giờ quyền tác giả nên phải nói rõ, phân định rõ – nhạc: Phó Đức Phương; lời: Tường Vân, Phó Đức Phương. Trong đó tôi có nhắc một khái niệm: Nếu anh Trịnh Công Sơn có bài nhắc đến thân phận cát bụi của đời người thì bài hát này có nhắc đến khái niệm được hình dung từ một cách nói là “hòn đất”. Tôi cho rằng hòn đất nó gần gũi, dễ hiểu, dễ thương hơn cả cát bụi vì cát bụi là một khái niệm triết học nhưng ở đây đời tôi kể cả các anh, các bạn chắc trong thời gian vĩnh hằng ấy, chúng ta cũng sẽ như hòn đất. Nó sủi tăm lép bép trong mặt hồ rồi nó cũng hết. Bài hát nghe có vẻ yếm thế một chút nhưng tôi cho rằng nó không yếm thế mà có dịp để phát biểu một khía cạnh nào đó về đời người. Có lẽ bài hát để kết thúc một lời tâm sự với các bậc đàn anh và các bạn. Bài hát mang tên Cũng một con đò. Bài này quả thực tôi có bám vào Ca trù chứ Trên đỉnh Phù Vân người ta cứ gán vào Ca trù, thực tế nó là tổng thể chất liệu âm nhạc của người Kinh ở châu thổ sông Hồng, thậm chí có cả chất âm nhạc miền núi…
Nắng hạ mưa đông vòng đời quay.
Bánh xe luân hồi con tạo xoay
Một ngày một tháng một năm một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ
Nắng soi cái tổ tò vò dọc ngang cũng một con đò, con đò ấy thôi
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi
Gánh nợ nhân gian nặng đầy vai bánh xe luân trầm đâu chừa ai
Một ngày một tháng một năm một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ
Nắng soi cái tổ tò vò dọc ngang cũng một con đò, con đò ấy thôi
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi.
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi