Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin: PGS. TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 6/5 tại Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 84 tuổi.
PGS. TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, ông là con thứ tư trong gia đình Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Các anh chị em của ông đều là những gương mặt tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực khoa học, âm nhạc, nông nghiệp. Gia đình ông là biểu tượng của tinh thần học thuật, tri thức và cống hiến không ngừng.
Năm 10 tuổi, ông được đưa sang Trung Quốc học tại Khu học xá Việt Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây. Hòa bình lập lại, ông theo học tại trường Phổ thông Lý Thường Kiệt, nay là Trường THPT Việt Đức và bắt đầu sáng tác nhạc. Năm 1960, ông chỉ huy dàn hợp xướng của trường với tác phẩm đầu tay của mình.
Theo định hướng của gia đình, ông theo ngành Động vật có xương sống tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.Năm 1964, ông tốt nghiệp với khóa luận “Phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước“ nhưng rồi lựa chọn sang làm việc cho ngành khảo cổ học. Nguyễn Lân Cường là Thực tập sinh tại Viện Hàn lâm CHDC Đức (1978-1980) và Viện Hàn lâm Liên Xô (1988-1990). Ông đạt học vị Phó Tiến sĩ năm 1994 và Phó Giáo sư năm 2002 và là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học Việt Nam từ năm 2003. Trong lĩnh vực khoa học ông giữ chức Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu (VANFA). PGS.TS Nguyễn Lân Cường được xem là người đặt nền móng cho ngành cổ nhân học hiện đại ở Việt Nam. Ông dành trọn cuộc đời để nghiên cứu về nguồn gốc loài người trên đất Việt, là chủ nhiệm hàng loạt đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu, phục chế và tu bổ di cốt người cổ. Ông đặc biệt nổi tiếng với công trình phục dựng bốn nhục thân thiền sư tại các chùa Đậu (Hà Nội), Tiêu Sơn và Phật Tích (Bắc Ninh)... Năm 2022 ông được xác nhận Kỷ lục Việt Nam: "Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 cá thể".

Không chỉ nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn là một nhạc sĩ tài hoa, từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony – nơi ông góp phần đưa nghệ thuật hợp xướng trở nên gần gũi hơn với công chúng Thủ đô.
Trong gia tài âm nhạc của mình, ông để lại hơn 70 tác phẩm, phần lớn là ca khúc và hợp xướng dành cho thiếu nhi, thanh niên và lực lượng vũ trang. Nhiều ca khúc đã trở nên quen thuộc như "Vị tướng của lòng dân", "Về đi em", "Bài ca về những người lính đảo"… cùng nhiều giải thưởng âm nhạc.
Không dừng lại ở khoa học và âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn có một tình yêu thầm lặng với hội họa. Ông bắt đầu vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962 và đã tự minh họa toàn bộ 320 hình ảnh trong cuốn sách "Bộ xương nói với bạn điều gì?", kết hợp giữa tri thức chuyên môn và tài năng mỹ thuật.
Vốn là người quảng giao, sống hết mình vì mọi người, chân thành và giàu lòng nhân ái - PGS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, bạn bè đồng nghiệp và cả công chúng.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Cầu mong ông bình an ở cõi về!