Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin: Nhạc sĩ Chu Minh đã tạ thế vào hồi 00h50 phút, ngày 17/10 tức ngày 03/09 Quý Mão, hưởng thọ 93 tuổi.
Nhạc sĩ Chu Minh tên thật là Triệu Đạt Hiền, ông sinh năm 1931 tại Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng ngay sau đó chiến tranh Đông Dương bùng nổ, Triệu Đạt Hiền tình nguyện tham gia cách mạng (từ 1947 - 1950) và làm nhiệm vụ trong Đội vũ trang tuyên truyền Ban Tuyên huấn Trung Ương. Cũng trong giai đoạn này, ông lấy bút danh Chu Minh để đặt tên cho các sáng tác của mình, trong đó có Việt Trung Xô và Chiến thắng biên giới.
Sau đó, ông được cử đi đào tạo ngắn hạn về âm nhạc tại Vũ Hán (Trung Quốc). Từ năm 1961 - 1965, ông tiếp tục theo học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở về Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) giảng dạy chuyên ngành sáng tác, và có thời gian dài làm Chủ nhiệm của khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của trường. Ông là một trong những người đầu tiên thành lập Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương.
Nhạc sĩ Chu Minh là một người thâm trầm, sâu sắc nên âm nhạc của ông, kể cả những tác phẩm viết trong những năm tháng kháng chiến cũng cho thấy sự đĩnh đạc, trầm hùng. Nhạc sĩ Chu Minh thành công ở cả hai lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc. Bên cạnh những tác phẩm bất hủ: Người là niềm tin tất thắng, Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công, Ta tự hào đi lên ôi! Việt Nam (thơ Hoàng Trung Thông)... ông có nhiều tác phẩm khí nhạc như: Sonate số 1, 2, 3 và Tổ khúc Khăn quàng đỏ viết cho piano; giao hưởng Việt Nam Tuyến đầu, giao hưởng thơ Thành phố Hồ Chí Minh - dáng đứng Việt Nam; nhạc kịch 4 màn Tiếng ru…đặc biệt là tổ khúc giao hưởng Sao Bắc Đẩu.
Với những đóng góp của mình cho đất nước, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2001, Nhạc sĩ Chu Minh được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
Có lẽ, so với các nhạc sĩ cùng thời, Chu Minh là người thành công trên cả 3 vai trò: Sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; là bậc thầy của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Tôn Thất Lập, Ngọc Đại, Đức Trịnh, Đinh Trung Cẩn, Đỗ Bảo, Minh Đạo... Nhạc sĩ Chu Minh mất đi để lại một khoảng trống khó có thể bù lấp bởi ông là cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ XX với nhiều tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhạc sĩ. Cầu mong ông thanh thản, an yên ở cõi về!
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vô cùng thương tiếc báo Lễ viếng nhạc sĩ Chu MInh được tổ chức vào hồi 90h-10h ngày 19/10/2023 ( tức ngày 5/09 Quý Mão) tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
An táng vào 09h30 ngày 25/10 tức 11/09 Quý Mão Nghĩa trang Yên Kỳ - Bát Bạt, Thành phố Hà Nội!